Má và Mẹ

Tôi ngồi gõ những dòng chữ này trong khi tiếng nhạc không lời, chỉ có tiếng đàn guitar réo rắc của Vô Thường thôi, bài nhạc Lòng Mẹ của nhạc sĩ Y Vân liên tục văng vẳng bên tai từ cặp loa nhỏ của máy điện toán. Tuy tôi không nghe lời ca nhưng trong trí tôi vẫn hiện ra các chữ đi đôi với tiếng nhạc bên ngoài: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào, Tình Mẹ tha thiết như giòng suối hiền ngọt ngào, Lời Mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào.Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng Mẹ yêu…” Ít ra tôi cũng thuộc được bốn câu đầu để làm thuốc.

Tôi hiểu, không hẳn tất cả người miền Nam gọi mẹ bằng má và ngược lại, không hẳn tất cả người miền Bắc gọi mẹ bằng mẹ. Tôi cũng hiểu ngoài hai tiếng để gọi thông dụng đó còn có nhiều cách gọi khác nữa được dùng chen lẫn ở khắp mọi miền. Và cũng có nhiều người miền Nam dùng chữ mẹ và cũng có nhiều người miền Bắc dùng chữ má. Má, người mẹ miền Nam chỉ là một cách nói chung.

Má tôi mất cũng đã hơn một năm, giỗ đầu đã qua, tôi cũng đã già hơn, và ngày sẽ gặp lại mẹ bên kia thế giới cũng gần hơn. Khi người mẹ đã già, đứa con lo sợ sẽ có ngày vĩnh viễn phải xa mẹ, y như nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã viết trong bài Mừng Tuổi Mẹ: “Mỗi mùa xuân sang… Mẹ tôi già thêm một tuổi… Mỗi mùa xuân sang… ngày tôi xa Mẹ càng gần…”, một lời nói đơn sơ nhưng ý nghĩa quá chừng quá đỗi. Còn tôi, người mẹ đã mất rồi và đứa con là tôi trong tuổi về chiều thì câu “Ngày tôi xa Mẹ càng gần” sẽ trở thành “ngày tôi sum họp vĩnh viễn với Mẹ càng gần” vậy.

Như hầu hết người miền Nam, tôi kêu mẹ tôi bằng tiếng “má” mộc mạc nhưng thân mật gần gũi biết bao. Chữ “mẹ” dường như bao hàm ý nghĩa tôn kính nghiêm trang hơn so với chữ “má”. Chúng ta nghe đến “Mẹ Bề Trên”, “Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp”, “Mẹ Việt Nam”. Ngược lại, chữ “má” dường như chỉ được dùng trong không khí riêng tư thân mật của gia đình. Biên giới cách biệt giữa má và con được thu ngắn lại rất nhiều.

Tôi nhớ hoài những lần nghe quái kiệt Trần Văn Trạch trình diễn bài nhạc “Chuyến Xe Lửa Mùng 5”. Bài hát nói đó có đoạn đầu kể những mẫu chuyện vui nho nhỏ xảy ra trên chuyến xe lửa tạo cho khán thính giả những tràng cười thích thú. Nhưng đến hồi kết cuộc, khi người nghệ sĩ quê Mỹ Tho có mái tóc bồng bềnh và phong cách trình diễn độc đáo duyên dáng này hát câu “Má! Má ơi con về đây Má ơi… Má không chờ con Má ơi…” khi đứa con từ Sài Gòn về đến quê nhà Nha Trang trong tâm trạng vui mừng gặp mẹ thì người mẹ đã chết rồi, ông lại làm cho khán thính giả cảm động đến rơi lệ.

Tôi cũng thường nghe hoặc xem trình diễn bài nhạc rất dễ thương “Tía Em Má Em” của đôi ca nhạc sĩ Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết trên sân khấu đại nhạc hội trong đầu thập niên 1960. Những câu hát cho thiếu nhi “Tiá em hừng đông đi cày bừa, Má em hừng đông đi cày bừa. Tía em là một người nông dân, Má em cũng là người nông dân, Cùng sống trên đồng bao la… Những đêm trời trăng lên tròn tròn, Gió đưa ngàn cây nghe xạc xào. Chúng em cùng họp đoàn vui chơi, Chúng em cùng họp đoàn vui ca, Trong ánh trăng ngà lung linh…” có vẻ ngô nghê nhưng đã sống mãi trong lòng của bao nhiêu thế hệ trẻ thơ miền Nam.

Tôi chào đời tại một làng quê bên bờ sông Chợ Gạo chảy vào Tiền Giang của Chín Con Rồng mang đầy phù sa và sức sống. Tuổi thơ tôi thấm đượm những lời ru ầu ơ liên quan tới Má: Má ơi đừng đánh con đau, Để con bắt ốc hái rau má nhờ . Hoặc: Má ơi đừng đánh con hoài,

Để con kho cá bằm xoài má ăn. Đó là nói chung không phân biệt phái tính. Ngoài ra còn có biến thể để áp dụng cho phái nữ: Má ơi đừng đánh con đau, Để con hát bội, làm đào má coi. Đứa con trai lí lắc hay làm trò khỉ ham vui chơi hơn là ham học bị mẹ đánh đòn, thay vì hứa với mẹ sẽ lo học, nó lại nói để nó làm trò khỉ cho mẹ nó vui, thật đúng là suy nghĩ non nớt của trẻ thơ.

Người mẹ đánh con trong hai câu hát ru em “ầu ơ ví dầu” này không có nghĩa là bạo hành trẻ con theo như sự hiểu biết và sự định nghĩa thông thường ở xã hội ngày nay. Người mẹ đánh con ngày xưa là theo cách dạy dỗ kiểu Khổng Nho như người mẹ của Hàn Bá Du trong Nhị Thập Tứ Hiếu. Trẻ con thuộc các thế hệ trước bị mẹ đánh để dạy dỗ là thường, như đoạn tả trong chuyện “Má Tôi” của thi sĩ Quách Tấn ở phần sau của bài viết này.

Tôi sinh ra và lớn lên ở làng quê có nhiều mương rạch nên thường được nghe những câu ru mang hình ảnh của sông nước. Má ơi con vịt chết chìm, Con thò tay xuống vớt con cá lìm kìm nó cắn con. Vịt con cả bầy lội theo vịt mẹ, có khi một con bị nạn hoặc đuối sức chết. Trẻ con thì đã biết gì nên đơn giản nghĩ là con vịt chết chìm. Và cũng vì đầu óc tuổi thơ non nớt nên mới nói “cá lìm kìm cắn con” trong khi thật ra bầy cá nhỏ xíu xìu xiu này chỉ rỉa bằng cái miệng tí tẹo của nó và chỉ gây cảm giác nhồn nhột chứ chẳng đau.

Tôi để ý những câu ru em tuy là của người lớn đặt ra nhưng được đặt trong tâm cảnh của trẻ con để nói thay cho chúng. Đó là cách dạy dỗ thật hay giúp cho đứa trẻ nghe và nghĩ như thể những lời lẽ đó do chính đứa trẻ nói ra, nó sẽ dễ nhớ, dễ nhập tâm thuộc lòng. Khi đứa con tới tuổi cặp kê, nếu là con trai thì nó đòi má cưới vợ: “Chuối non giú ép chát ngầm, Trai tơ đòi vợ khóc thầm thâu đêm. Khóc rồi bị má đámh thêm, Tiền đâu cưới vợ nữa đêm cho mầy.”

Nếu con gái tới tuổi trỗ mã, ba má lo kiếm chỗ mai mối để gả đi, lại réo má: “Má ơi đừng gả con xa, Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu.” Thời buổi ngày nay, với tình trạng xuất cảng hàng loạt những cô dâu Việt lấy chồng người nước ngoài, câu ca dao đó càng trở nên thấm thía hơn.

Nhìn vấn đề đó với góc cạnh khôi hài, người ta đã biến đổi hai câu ca dao đó trở thành “Má ơi đừng gả con xa, Gả con qua Mỹ Canada được rồi.” Kiếm được một tấm chồng ở các quốc gia Tây Âu chắc chắn tốt hơn các ông chồng Đại Hàn, Đài Loan, Trung Cộng… thường là nghèo hơn và dùi đục vũ phu hơn. Ngoài ra còn có biến thể đùa cợt kiểu huề vốn, xa gần gì cũng có cái hại:

Má ơi đừng gả con xa

Chim kêu vượn hú biết đâu mà lần.

Má ơi đừng gả con gần

Con qua xúc gạo nhiều lần má la.

“Má” thì xuề xòa bình dân hơn mẹ cho nên con quạ kêu “bớ má” thay vì “mẹ ơi” như trong hai câu:

Con quạ nó đứng chuồng heo

Nó kêu bớ má bánh bèo chín chưa.

Có khi ca dao có cùng ý nghĩa nhưng diễn đạt khác nhau tùy miền. Hai câu “Lẳng lơ thì cũng chẳng mòn, Chính chuyên cũng chẳng sơn son để thờ” ở miền Bắc thì vào trong miền Nam lại trở thành:

Má ơi con má chính chuyên

Ghe bầu đi nói một thiên cá mòi

Không tin mở hộp ra coi

Rau răm ở dưới cá mòi ở trên.

Hai câu ca dao với chữ “mẹ” nghe nghiêm trang và bảo thủ trong khi bốn câu của miền Nam với chữ “má” nghe thân mật gần gũi vô cùng. Má con đã trở thành như bạn nên ăn nói một cách tự nhiên như người ngang hàng cùng trang lứa. Đó là chưa kể ý tưởng nghịch ngợm và quan niệm dễ dãi xem nhẹ mọi chuyện. Sự chính chuyên của cô gái được bà má đánh giá bằng một thiên cá mòi, nào ngờ “rau răm ở dưới cá mòi ở trên”. Ý câu ca dao này muốn nói gì tôi không hiểu rõ nhưng “nhằm nhò gì”, tôi cảm thấy nó dí dỏm vui lắm. Còn nữa, má hãy nghe con gái má thỏ thẻ nè:

Má ơi con má hư rồi

Má đừng trang điểm phấn dồi uổng công!

Hoặc:

Má ơi con má hư rồi

Còn đâu má gả, má đòi bạc trăm!

Má, bà mẹ của miền Nam đôi khi vì quá dễ dãi nên con cái lờn mặt và đối xử tệ hại như trong những câu vè lục tỉnh sau:

Tôi đi ngang nhà má, Tay tôi xá chân tôi quỳ

Bởi thương con má xá gì thân con.

Tôi đi ngang nhà má, Tôi vác cục đá, Tôi chọi má lổ đầu

Tía ra tía hỏi, Tôi nói tôi đá cầu tôi chơi!

Hết biết! Mong rằng đây chỉ là sản phẩm của mấy ông văn thi sĩ có đầu óc tiếu lâm trong bàn nhậu.

Kho tàng văn học Việt Nam có vô số những bài thơ bài nhạc nói về người mẹ. Tuy ngoài đời có hằng triệu đứa con gọi mẹ bằng má nhưng trong thơ nhạc, tiếng má ngọt ngào thân yêu thấm đượm chất giọng miền Nam đều trở thành mẹ. Nó đã trở thành một định luật tự nhiên cũng giống như chữ tui ngoài đời trở thành chữ tôi trong thơ nhạc. Tuy vậy cũng có một số ngoại lệ. Một trong những ngoại lệ này là bài thơ “Má” của Nguiễn Ngu Í (1921-1979), một nhà thơ, nhà giáo, nhà báo gốc Hà Tĩnh nhưng chào đời ở Bình Thuận và sinh sống ở Sài Gòn.

Má ơi! Con muốn điên rồi,

Má còn trông đứng đợi ngồi mà chi.

Con nhìn Má, Má có thấy con không hỡi Má?

Đêm khuya rồi, chỉ có Má con thôi

Nhà ngủ yên, và cả thế giới loi nhoi

Cũng thiêm thiếp với đất trời mệt mỏi.

Con nhìn Má, Má gầy nhiều, Má hỡi,

Xương, gân này rõ rệt ở tay chân,

Má lại đây, Má, cho con Má nhìn gần,

Coi tóc Má bạc nhiều hay bạc ít.

Má ốm yếu mà Má tươi Má chết

Cả lòng con ngào nghẹn lúc này đây

Em con chết mang cả cháu ngoại đợi từ ngày,

Má đã khóc bao lần trong đạn lửa!

Hẳn Má đã dàu dàu như lá úa,

Nhưng khi ngồi chụp ảnh gởi cho con,

Má bảo: “Mình cố vui, vui nữa vui hơn,

Cho nó tưởng mình vui không buồn nữa …”

Con không buồn nữa, Má ơi! con hứa,

Không buồn đâu vì Má lặng trong,

Vì Má ngồi yên, mà Má vững như trồng,

Ngồi tréo mẩy, tay vịn thành ghế sắt.

Chiếc ghế sắt mà Thầy sơn dầu hắc

Từ khi con lên bảy biết phân li …

Chiếc ghế phiêu lưu, từ Cần-đước xuống ghe đi

Cần-giờ, rồi lên Bến-gỗ,

Rồi lên An-Hảo, rồi lại lên tàu ra Mường Mán,

Rồi lội bộ về Tam Tân

Giặc bố, chạy vào rừng,

Giặc bố già, thì chạy lung tung,

Mà mặt ghế vẫn bình, chân chưa lảo đảo.

Má đã khổ vì Thầy bị dày đi Lao Bảo,

Má có đau vì nhà nát, quê lìa,

Má có sầu vì con ở đâu kia,

Má mới khóc vì con cháu chết …

và Nước .. Đời Má dường như mất hết,

Nhưng mà giờ, Má ngồi đó vững vàng,

Nhìn chẳng thấy con mà vẫn tin rằng:

Rồi Má gặp con, con gặp Má,

Và rồi nắm tay con Má sẽ ve vuốt má

Của dâu hiền yên lặng đứng bên con.

Má ngồi yên, Má trong lặng nhìn con,

Con rung động nhận cái nhìn của Má.

Ú ờ .. Ví dầu con Má có sao

Có điên, có dại, Má nào bớt thương …

Một nhà thơ miền Nam khác dùng chữ Má thay cho Mẹ là thi sĩ Quách Tấn (1910-1992). Ông cùng với Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Chế Lan Viên được người đương thời ở Bình Định gọi là Bàn thành tứ hữu, nghĩa là Bốn người bạn ở thành Đồ Bàn. Chào đời ở Bình Định, ông sống 34 năm cuối đời ở Nha Trang. Xin trích một đoạn trong bài viết mang tựa “Má Tôi” của ông:

(Trích)

“Thầy mất chưa bao lâu mà má tôi trông già và đen điu tiều tụy nhiều quá. Thương mẹ quá, chúng tôi muốn ở nhà phụng dưỡng. Má tôi nghiêm giọng nói: “Má không bì được Mạnh Mẫu, nhưng lòng nguyện noi gương. Các con chắc đã biết tánh má”. Chúng tôi thất kinh. Từ ấy không dám nghĩ đến việc thôi học. Và để làm vui lòng mẹ, chúng tôi nổ lực học hành. Cuối năm, chúng tôi đều chiếm vị trí cao và đều có phần thưởng hậu. Và khoa thi tiểu học năm 1925, tôi đậu đầu.

Tết xong, bệnh má tôi nặng thêm. Tôi biết không qua khỏi tháng giêng, định xuống trường xin phép thêm (vì tôi đã được phép nghỉ trước lễ nghỉ tết đến 10 hôm để cưới vợ, theo đơn xin của má tôi) để ở nhà với má. Nhưng đến chiều mồng 6 tháng giêng âm lịch, má gọi anh em tôi vào dặn: “Sanh ly tử biệt là cảnh đau lòng nhất trên thế gian. Song thầy các con đã dạy rằng không có gì đáng bi lụy, vì đó chỉ là cảnh thay đổi của ngày đêm. Các con nhớ chết là đi về và sống lâu không ở nơi tuổi như má đã nói với các con. Ðể má yên vui nơi chín suối, các con nên nhớ những lời má đã dạy bấy lâu nay. Tức là phải ăn ở cho phải Ðạo. Nếu vun thêm nền phúc đức của ông bà để lại không nổi thì ráng giữ đừng cho sụp lở. Và sau khi an táng má xong, các con phải bán nhà bán ruộng, về nương nhờ anh chị bên Phú Phong. Nhất định không nên bịn rịn nơi các con đã sanh trưởng. Quê hương ai lại không thương yêu. Nhưng chỉ bo bo giữ gốc tre làng, sao bằng lo lập nên công nghiệp để làm vẻ vang cho làng nước. Thầy má sẽ luôn luôn ở bên các con để phù hộ cho các con lo tròn nghĩa vụ của kẻ làm con làm dân, nếu các con nhớ lời má dặn”. Ðoạn kêu nhà tôi bảo lo sửa soạn hành lý để ngày hôm sau chúng tôi tựu trường, vì ngày mồng 7 khai hạ hết hạn nghỉ tết: “Con được học bỗng, phải giữ kỷ luật trường chặt chẽ. Con phải có mặt tại trường ngày mở lớp. Má có đi cũng mươi hôm nữa. Má sẽ tin cho các con biết ngày má đi để các con về”.

Sáng hôm sau, má lại gọi nhà tôi bảo lo dọn cơm nưóc cho anh em tôi ăn đi Qui Nhơn. Chúng tôi không dám trái mệnh. Song có cảm giác rằng má tôi không còn ở lại được lâu, nên ăn uống xong, vào chào má rồi mang gói ra cửa trước đi quành ra cửa sau, lén chun vào nhà trên ẩn náu. Má nằm buồng nhà dưới, cửa đóng kín. Chúng tôi nằm lặng im. Nhà tôi lo dọn dẹp dưới nhà bếp. Trong ngoài yên lặng như tờ. Vài giờ đồng hồ sau má tôi gọi nhà tôi hỏi: “Sao hai đứa nó chưa đi?”

Nhà tôi thưa: “Dạ đi rồi.” Má rầy: “Chúng nó trốn trên nhà trên, chớ đi gì! Bảo chúng nếu còn bần dùn, má sẽ chết ngay bây giờ.” Chúng tôi thất kinh, phải gạt lệ ra đi.

Ðến Qui Nhơn đã tối. Sáng hôm sau chúng tôi mới vào trường. Vừa đến văn phòng thì ông Tổng Giám thị Huỳnh Văn Gi cho hay rằng má tôi đã mất và cho phép chúng tôi về nhà chịu tang 10 ngày. Thì ra chúng tôi ra đi được vài giờ đồng hồ thì má tôi mất, vào lối bốn giờ chiều. Nhà tôi liền cho người lên tin cho bác tôi và ông gia bà gia tôi biết. Ông gia tôi một mặt đánh điện tín xuống Qui Nhơn, một mặt cho gia nhân xuống giúp nhà tôi.

Từ lúc bệnh trở nặng đến lúc nhắm mắt má tôi luôn luôn bình tĩnh và tỉnh táo. Nằm một chỗ mà mọi việc đều sắp đặt chu đáo và quan tài cùng đồ hậu sự cũng đã mua sắm sẵn sàng. Trước khi đi, dặn đi dặn lại người nuôi: “Tôi chết rồi thời phải liệm ngay vì hôm nay được ngày. Rồi ngày mai, hai đứa con tôi về lúc nào là đưa tôi đi lúc ấy.” Cho nên khi anh em tôi về thì ông gia bà gia tôi và bà con bên nội bên ngoại đều đã tề tựu đông đủ. Chúng tôi vào nhìn mặt mẹ lần cuối cùng, rồi nghìn thu vĩnh biệt!

Thảm quá Má ơi!

Anh em tôi lúc bấy giờ thân xác rã rời, tâm hồn tê tái. Nhà tôi mới 16 tuổi đầu lại mới về làm dâu chưa đầy nửa tháng! Nhưng nhờ ông gia bà gia tôi bỏ cả việc nhà xuống đôn đốc mọi việc và nhờ sức ủng hộ của bà con cô bác gần xa, nên đám tang rất chu đáo và rất trọng thể.

Má tôi an nghỉ cạnh thầy tôi theo sở nguyện lúc bình sanh.

(Ngưng trích)

Trang nhà Dịch Vụ Tự Nguyện Quốc Tế Quảng Ngãi, nhân Mùa Vu Lan 2011 có đăng bài viết tựa “Má Ơi Má Khỏe Không?” của tác giả Bé Bờm, một phụ nữ ở lứa tuổi 50 sống ở Mỹ. Tác giả kể chuyện mình và người mẹ già đang còn sống ở quê nhà. Cái hay của tác giả là câu chuyện được kể lại dưới hình thức những lần hai má con nói chuyện qua điện thoại viễn liên. Lời đối đáp qua lại giữa hai má con tuy ngắn gọn nhưng người đọc có thể đoán được tính tình của hai người và điều gì đang xảy ra.

(Trích)

Ai trên đời này cũng thèm được gọi Mẹ dù Mẹ còn hay đã qua đời. Có người gọi Má có người gọi Mẹ, gọi gì đi nữa cũng vẫn thương vô cùng.

Bao nhiêu lần nói chuyện với Má vẫn thấy chưa đủ.

Lúc tuổi 50:

Ở xa Má… gọi điện thoại về:

  • Má ơi, Má khoẻ không?

  • Má cũng khoẻ, con có đau gì không mà nghe giọng khàn khàn vậy?

  • Dạ không đâu Má ơi, tối hôm qua con qua bên nhà Minh Hiếu hát karaoke với mấy mẹ con Minh Hiếu mà rát cả họng… chứ không sao đâu.

  • Nhớ giữ gìn sức khoẻ chứ Má không có ở bênh cạnh đâu mà chăm cho con.

  • Con năm mươi tuổi rồi mà Má… chứ có phải năm mười tuổi gì mà Má lo như con nít vậy? Má đã 85 tuổi rồi mà còn lo cho con sao được? Thôi thì Má cũng đi hát Karaoke đi cho vui…

  • Bá láp nà!

Lúc tuổi 40:

  • Má có khoẻ không Má?

  • Có, Má đã nhận được thuốc con gửi rồi… Mắt Má đỡ rồi, Má thay đôi kính mới trông rõ hơn nhiều, cám ơn con. Có tốn nhiều tiền lắm không con?

  • Không sao đâu mà Má… Miễn Má thấy rõ là con vui rồi…

  • Con nhớ giữ gìn sức khoẻ vì không có Má bên cạnh… Lắm lúc Má lo, vì Má già thì còn có con chứ sau này con già thì ai lo?

  • Má đừng lo, Con không già đâu…(hì hì hì…) . Mấy chị em con thương nhau mà… Không chị nào bỏ con đâu Má à…

Mấy tháng sau…

  • Má không khoẻ sao Má? Con nghe chị Nhàn nói Má không khoẻ…

  • Má không ngủ được vì lo cho con… Hôn nhân là chuyện quan trọng. Tính nết con, ăn rồi đi lo cho thiên hạ… bây giờ là lúc cũng nên nghĩ cho mình… hãy cẩn thận.. má thấy tuổi không hợp Má lo lắm…

Mấy tháng sau nữa…

  • Má giận con hả Má?

  • Má giận con làm gì (giận lắm đó) Con đám cưới ở chùa có Sư lo chứ cần gì ý kiến của Má…

  • Thôi mà Má, mỗi người một số phận… con làm gì đơn giản nhất… mọi việc con tự chịu trách nhiệm về hành động của mình…Tất cả việc con làm chỉ vì con cũng thích được gọi bằng Má như con đang gọi Má…

  • Thôi con đừng nói gì nữa (2 đầu giây đều có tiếng khóc) Mọi việc cũng đã rồi… dù Má không vừa ý nhưng Má cũng mong con hạnh phúc… hãy nhẫn nhịn… con biết vì sao mà người ta đeo nhẫn không, để nhắc cho mình phải biết nhẫn trong mọi trường hợp… hạnh phúc hay không là ở lòng từ bi… mà lòng từ bi sinh ra từ sự kham nhẫn…

  • Dạ, con biết. Con sẽ sống như Má đã sống trong gia đình của Nội.

(Ngưng trích).

Hình ảnh của mẹ hiền ăn sâu vào tiềm thức của người con xa quê như một vết thương không bao giờ lành. Thao thức nhớ mẹ là tình cảnh chung của những người con không được gần mẹ. Mỗi năm trong dịp lễ Vu Lan, nhiều người con trong nhiều lứa tuổi tưởng nhớ về mẹ đã trải lòng qua các sáng tác văn thơ nhạc. Một trong các bài viết là bài Cho Má, Ngày Bông Hồng Cài Áo của tác giả Hồng Nhi sau đây:

Má tôi là nông dân nghèo thứ thiệt của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chẳng những nghèo mà má còn thất học. 18 tuổi, bỏ đàn em chút chít sau lưng, má lấy cha tôi cũng nông dân nghèo, lại mồ côi. Một đàn con nheo nhóc ra đời, đứa nhỏ lủi thủi theo đứa lớn. Hơn 70 năm trong đời má, lễ nghĩa kiểu trí thức là cái gì đó rất đỗi xa lạ.

Mấy năm trước chị kế tôi “học đòi” phương Tây, làm tiệc “Mothers day” cho má. Má lơ ngơ, lạc lõng trong nhà hàng, cái bánh kem hếch mặt nhìn má và cuối cùng chui tọt vào bụng đám con nít trong nhà.

Tôi là đứa duy nhất trong gia đình được đi học đến hết đại học, nhờ má bán mấy công ruộng ngập nước mặn định cho tôi làm của hồi môn. Có một điều cho đến trước ngày lấy chồng, tôi chưa bao giờ nói với má lời yêu thương kiểu “con yêu mẹ” lần nào.

Mùa bông hồng cài áo năm nay, lần đầu tiên tôi nhớ má vô kể. Cách xa má hơn 300km, công việc đăng đăng đê đê của một người cố nhoài, cố bơi cho kịp thiên hạ giữa dòng mưu sinh chốn thị thành làm tôi ngại về. Thêm thằng con nhỏ quấn mẹ càng khiến tôi sợ hãi khi nghĩ đến quãng đường dài đi xe đò chật chội lại trong mùa mưa bão như vầy. Tôi gọi điện cho má, giọng má nhẹ như gió đưa bụi chuối sau hè nhà tôi những buổi trưa: “Rảnh thì dìa, hổng rảnh thì thôi”.

Ba mươi năm qua, tôi chưa từng nhìn kỹ mặt má lần nào. Hồi nhỏ tôi lẩn như chạch khi má ôm tôi. Mà cũng lạ, trong ký ức tuổi thơ tôi chưa từng nghe má nói má thương tôi lần nào. Nhưng đêm nay và nhiều đêm trước nữa, khi ôm đứa con trai bé bỏng vào lòng, tôi giật mình nhận ra rằng tôi đã nhìn thật kỹ mặt con, nghe từng hơi thở phập phồng của nó, gửi gắm vào nó bao mơ ước của mình. Mỗi khi nó hắt hơi, tim tôi se thắt. Rồi tôi nhớ má, ngày xưa chắc má cũng từng ôm tôi trong những đêm mưa như thế này mà lo lắng, mà nghĩ về tương lai của tôi.

Tôi nhớ má khi nhìn thằng con ngủ mớ gọi “Ma ma…”. Nhớ má tỉ mỉ gói từng cái bánh ít đi bán, thức khuya dậy sớm làm từng con cá để làm mắm… Những đồng tiền ít ỏi từ gánh mắm, thúng bánh ít đã đưa đường cho tôi vào đại học. Tôi ra trường, bận rộn với lợi danh ra vào, bận rộn với chồng con. Thời gian dành cho má, cho cha ngày càng ít. Vội vã trở về quê, rồi lại vội vã trở lên Sài Gòn, bận rộn quay cuồng với công việc, quên cả má đợi chờ một cuộc điện thoại khi chiều về.

Nhiều lúc tôi nghĩ mình quên mình còn có má với cha. Chỉ khi cuối tháng gửi tiền về lo ăn uống, thuốc thang cho má cho cha, thỉnh thoảng tôi lại thở dài và… nghĩ cái gánh mình gánh sao mà nặng!

Tôi quyết định thu xếp mọi thứ về với má. Tôi sẽ im lặng ngồi bên má, rồi ra chợ thị xã mua con cá lóc đồng còn sống, mua bó bông súng còn tươi, mua thêm ngò om, ngò gai để nấu cho má tô canh chua cá lóc bông súng. Rồi tôi sẽ nhìn má ăn. Má sẽ nói “Bây bận dìa làm chi…” nhưng tôi biết lòng má đang mừng khấp khởi, má vui lắm…

Tương tự, nhà thơ Hoàng Phố sống cách Việt Nam nửa vòng trái đất. Nhân khi một người bạn thân của mình về thăm quê hương, tác giả nhờ bạn thay mặt đến nhà mẹ mình để thăm bà trong bài thơ với lời nhắn nhủ:

Mày có đi làm ghé chơi thăm má

Mua một tô mì cho má giùm tao

Nhớ thêm bột nêm vào trong hoành thánh

Tánh má từ xưa vẫn thích ngọt ngào.

Nếu má hỏi mày làm ăn có khá

Cũng ráng mà cười nói được nghe chưa

Tính má hay buồn nghe ai thất bại

Bốn chục năm rồi má vẫn như xưa.

Khi mày ra về cũng nên hẹn lại

Sẽ đến thăm khi rảnh rỗi việc nhà

Má như trẻ thơ thích ngồi nói mãi

Những chuyện ngày xưa hồi còn có ba.

Ừ mà tao quên mày đốt cho ba

Một nén nhang thơm cho má mát lòng

Bởi tao đi rồi là hai hình bóng

Nay đã mất tăm vừa con vừa chồng…

(Hoàng Phố)

Thời gian gần đây, trong số các nhạc phẩm mới được sáng tác trong nước có bài Má Ơi của nhạc sĩ Chương Đức thổ lộ tâm tình bức rức lương tâm của người con ly hương để cho mẹ phải sống cô đơn lo trong ngoài mọi chuyện một mình.

Mai trổ bông mà con chưa về thăm

Tay trắng tay đời con trôi âm thầm

Giữa phố phường phồn hoa muôn màu muôn sắc

Kiếp tha hương sương gió cuốn lênh đênh.

Con nhớ xưa ngày ba con bỏ đi

Miếng nước miếng cơm mình ên má lo trong ngoài

Tấm vách nhà một tay má lợp má vá

Tết nhà không bánh mứt rước ông bà.

Nuôi con… má khổ đêm ngày, nước mắt ngắn dài trăm đắng ngàn cay

Thương con… má dãi dầu gió sương cả đời làm dâu thảo siêng,

đất bằng sao sóng cuộn nghiêng.

Đêm đêm… vất vả ngoài đồng má bắt cua còng, má vớt lục bình nuôi con tiếc gì thân.

Con vẫn đi đời tha hương nổi trôi

Nhưng ước mong một mai con quay về

Má ơi lời dạy khuyên vỗ về của má

Dẫu ngàn xa xin má hãy an lòng…

Nhạc sĩ Hồng Đức cũng viết một ca khúc tựa đề Má Ơi, Con Đã Mồ Côi nói lên tâm sự của đứa con miền Nam tha hương xứ người rụng rời khi hay tin má mất ở quê nhà với một trời tiếc thương:

Còng vai gánh nặng một trời thương tiếc

Chiều nay đất Mỹ bão giông

Khi hung tin xé nát lòng mà lòng con ra

Ðường từ Chương-Thiện mù xa

Chín năm con mãi, con mãi bôn ba xứ người.

Chín năm chẳng thấy Má cười

Chỉ nghe tiếng khóc bồi hồi chờ mong

Bây giờ Má đã hư không

Bây giờ nước đã bỏ sông, bỏ sông về nguồn.

Con về chỉ còn là hai nhánh, hai nhánh tay buông

Dài như thân phận lưu vong năm tháng tù đày

Con về bước đắng bước cay

Dẫm chân đi giữa, đi giữa sóng cuộc đời là chông gai

Má ơi, con đã mồ côi

Còng vai gánh nặng một trời tiếc thương.

Do quan niệm xưa áp đặt, người mẹ của nhiều thế hệ trước thường không được theo đuổi việc học đến nơi đến chốn theo ý muốn và sở thích. Họ cam chịu với số phận và nhẫn nhục chịu đựng hi sinh cho chồng con. Tôi cũng ít khi nghe má tôi thở than với những chịu đựng cơ cực trong cuộc đời bà. Tôi biết đó là vì lòng thương yêu bao la của người mẹ đã làm cho bà quên hết những cơ cực của riêng mình và chỉ thấy cái trong sáng hồn nhiên vô tư của đứa con. Tuy học không nhiều nhưng má tôi thuộc mẫu người phụ nữ đảm đang chịu đựng và bằng lòng với số phận mà không mặc cảm dốt nát hay nghèo hèn. Những năm xa con, khi nhà chưa có điện thoại, má tôi vẫn hay viết thư cho tôi. Tôi đọc những dòng chữ nghệch ngoạc của má tôi mà nghe lòng quặn thắt.

Thư Má

Thư má viết rung rung nét chữ,

Nhoẹt nhòe mực nguyên tử không đều.

Trải lên trang giấy thật nhiều,

Đọc lên, thấy cả tình yêu mẹ hiền.

Thư má viết lỗi sai chính tả,

Con đọc lên êm ả ca dao

Má sai vài lỗi chẳng sao,

Đọc thư má, con nghẹn ngào mến thương.

Thư má viết dùng nhiều chữ nhớ,

Nhớ bao nhiêu cái nhớ về con.

Tuổi già trí nhớ héo hon,

Má sợ không nhắc, biết còn nhớ không.

Thư má viết đầy hai trang giấy,

Tốn bao nhiêu giờ đấy, má ơi.

Sao má không chịu nghỉ ngơi,

Cảm thương cho má bồi hồi lòng con.

Khi nhà mẹ tôi ở quê nhà đã có gắn điệu thoại, sự liên lạc với gia đình trở nên tiện lợi hơn. Theo lệ thường những cuộc điện đàm viễn liên là do từ hải ngoại gọi về Việt Nam; trường hợp ngược lại chỉ khi có chuyện khẩn cấp. Do sự khác biệt giờ giấc ngày đêm ở hai nơi, tôi rất sợ nghe điện thoại reo khi đang ngủ. Kinh nghiệm cho thấy các cuộc gọi đó là các cuộc gọi khẩn cấp báo tin buồn một người thân nào đó trong gia đình vừa gặp tai nạn hoặc thình lình ngả bịnh phải đưa vô bịnh viện hay tệ hại hơn nữa là vừa mới mất.

Sau khi hay tin mẹ tôi bịnh nặng phải nhập viện, tôi lo nghĩ nhiều lúc ban ngày và hay nằm mộng lúc ban đêm. Ban ngày ước muốn nghĩ ngợi lung đến điều gì, đêm ngủ tôi hay mộng thấy điều đó. Tôi thấy tôi về thăm má tôi trong nhà thương:

Má Nằm Nhà Thương

Chiều bịnh viện mang cháo vào nuôi má

Ðến bên giường ngắm kỹ dáng thân yêu

Rón rén nghiêng tai nghe tiếng thở đều

Biết rằng má còn sống thêm ngày nữa.

Ðứng một bên con xin hầu quạt

Hình bóng mẹ già không bao giờ phai nhạt

Tóc má phất phơ bay

Mắt con buồn vị cay.

Nghĩ tới một ngày rồi sẽ chia tay.

Hơi thở má như mây chiều rất nhẹ

Trôi về miền quá khứ rối như tơ

Tóc trắng chập chờn giữa tỉnh và mơ

Thều thào má hỏi, “Ðứa nào đó?”

“Dạ, con đây.”

“Con là đứa con nào?

Phải thằng hai lâu lắm chẳng chịu về?

Hay thằng ba nghèo quá ở dưới quê?

Hay con tư cưng của má nhớ ghê?”

Cô út ngậm ngùi cầm tay má:

“Chị con chết lâu rồi má quên sao?”

“Nó mới kêu má đây mà chết hồi nào

Mới kêu đó rồi biến đi đâu mất!”

Mây tâm trí bồng bềnh hư rồi thật

Những mảnh rời trộn lại chẳng bao nhiêu

Hiện rồi tan yếu ớt buổi trời chiều

Ngả màu tím buồn tênh và hiu hắt.

Dĩ vãng mây trôi quê xưa tồn tại

Bao chuyện cũ má ngập ngừng kể lại

“Má nằm ở đây là ở đâu?”

“Dạ, ở đây là nhà thương đó má.”

“Không phải đâu!”, má nằn nì cãi

“Má còn ở dưới quê ngoại Mỹ Tho!

Tàu cau sân trước mới rụng kìa

Ðể má lượm làm quạt mo

Quạt cho bốn đứa con ngủ mát.”

Má quạt cho con

Con quạt cho má

Trí nhớ má hao mòn

Con thở dài nhè nhẹ.

Khăn tay lau nước mắt ai

Má rưng hai giọt con dài vắn rơi…

Tháng Tư năm 2010, má tôi mất ở quê nhà, hưởng thọ 85 tuổi.

Đối với những gia đình mà anh chị em ruột thịt sống gần nhau, đám giỗ cha mẹ thường diễn ra chỉ ở một nơi và con cháu tụ tập về cùng cúng bái và tưởng nhớ. Do biến cố 30 Tháng Tư, rất nhiều gia đình phân chia tứ tán; anh chị em sống xa nhau ngàn dặm khiến cho đám giỗ cha mẹ đôi khi được tổ chức nhiều nơi riêng rẽ. Đoạn văn ngắn “Ngày Giỗ Má” của tác giả Vĩnh Kim nói lên trường hợp đó:

“Thời tiết bên nầy thật khó chịu, cuối tháng bảy rồi mà cứ âm u, mưa miết cả mấy tuần nay, ấy vậy mà may mắn ghê, trên giàn bầu ngoài vườn có duy nhất một trái, lớn hơn cườm tay một chút, vậy là tốt rồi, ít ra cũng đủ một tô canh nhỏ để cúng vì hôm nay là ngày giỗ của má tôi.
Cũng như mọi lần, tôi chỉ nấu những món ăn thường ngày thật đơn sơ nhưng đó là món ăn mà khi còn sống má rất thích ăn… thịt kho tiêu và canh bầu.

Năm nào cũng chỉ hai món nầy, không biết má tôi có ngán không nữa, nhưng mà không sao vì tôi biết chắc là gia đình anh tôi sẽ làm đám giỗ lớn vì bên nhà nhiều bà con dòng họ, chợ búa thì sát bên, và má tôi sẽ hưởng nhiều món ngon do bà chị dâu rất hiếu thảo, chu đáo, lại khéo tay nấu nướng.

Anh em tôi mỗi khi cúng xong hay gọi điện để kể nhau nghe hôm nay đứa nào làm món gì cúng má, tôi hay nói đùa: “Làm đám giỗ má hai giờ khác nhau, để má ăn no bên anh xong bay qua bên em ăn tiếp cái món đặc biệt của em nấu, chắc chắn là anh chị không có cúng, vậy mới ngon miệng má.” Anh tôi nói liền: “Món thịt kho tiêu và canh bầu chứ gì.”

Trên bàn trong phòng khách bây giờ đã dọn cơm canh, thịt kho, một dĩa trái cây, lần nào cúng tôi không bày biện sắp đặt mâm cỗ mà chỉ dọn hai cái chén và hai đôi đũa để vào hai chỗ ngồi, tôi cũng không có thói quen dâng hương rồi khấn vái như mọi người thường hay làm khi cúng kiến, tôi chỉ thắp một nén nhang, cắm vào lon gạo rồi ngồi vào chỗ của tôi, tôi gắp vài miếng thịt, mấy miếng bầu bỏ vào chén của má rồi thì thầm nói tưởng chừng như má tôi còn sống và đang ngồi bên cạnh: “Má dìa ăn cơm với con nha…” Chén cơm trong tay của tôi đã chan vài giọt nước mắt!

Phan Hạnh.

Leave a comment